adsense

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Bài 1. Học Thương mại điện tử - Ra trường làm gì ? Ở đây ? Cơ hội 2016

HỌC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ RA TRƯỜNG LÀM GÌ? Ở ĐÂU?
Cơ hội việc làm mới cho sinh viên!
Thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ trên Thế giới và tại Việt Nam trong gần 20 năm. Các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề, mọi quy mô đều có những lợi ích nhất định khi ứng dụng thương mại điện tử, chính vì vậy thương mại điện tử đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhìn chung xã hội vẫn chưa có sự hiểu biết rõ ràng và phân biệt được về thương mại điện tử ứng dụng trong các lĩnh vực quản lý, kinh  doanh nói chung và các doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử.
Vì vậy, nhiều sinh viên vẫn chưa hiểu rõ học thương mại điện tử ra trường sẽ làm gì và làm ở đâu, trong doanh nghiệp và phòng ban nào. Bài viết này giúp các bạn hiểu rõ về cơ hội việc làm cho sinh viên trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử và có lựa chọn chính xác hơn khi quan tâm hay lựa chọn lĩnh vực này.
1. Ngành Thương mại điện tử, chuyên ngành và bộ môn Thương mại điện tử
- Hiện nay, mới có một vài trường đại học tại Việt Nam đào tạo ngành Thương mại điện tử, điển hình có trường Đại học thương mại và Đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh… (với tổng số khoảng 500 – 1.000 sinh viên Chuyên ngành Thương mại điện tử mỗi năm).
- Bên cạnh đó, có khoảng 5-10 trường đại học có đào tạo Chuyên ngành Thương mại điện tử, thường nằm trong Khoa quản trị kinh doanh (tổng số mỗi năm 1.000 – 2.000 sinh viên chuyên ngành Thương mại điện tử trong ngành Quản trị kinh doanh, Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế hoặc Công nghệ thông tin).
- Số lượng lớn sinh viên có kiến thức về thương mại điện tử (chung) nằm ở các trường đào tạo các ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Công nghệ thông tin… nhưng được trang bị thêm 1-3 môn cơ bản về Thương mại điện tử liên quan đến ngành học của mình.
Có khoảng 30-40 trường đại học có đào tạo các chuyên ngành trên và đã đưa một số môn học về Thương mại điện tử, thuộc Bộ môn thương mại điện tử, điển hình gồm các môn học như: Thương mại điện tử căn bản, Hệ thống thông tin quản lý, Thực hành các ứng dụng thương mại điện tử chuyên ngành (ví dụ như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong bán lẻ, kế toán, tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế, xuất nhập khẩu, marketing…). Nhóm này có số lượng sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về thương mại điện tử theo từng ngành học, với số lượng khoảng (5.000 – 10.000 sinh viên mỗi năm).
2. Chuyên ngành thương mại điện tử
Các môn học chính trong Chuyên ngành thương mại điện tử thường bao gồm:
- Thương mại điện tử căn bản
- Hệ thống thông tin quản lý
- Phân tích và thiết kế hệ thống thương mại điện tử
- Lập trình website và các ứng dụng thương mại điện tử căn bản
- Quản trị mạng trong thương mại điện tử căn bản
- Quản trị cơ sở dữ liệu trong thương mại điện tử
- Rủi ro và phòng tránh rủi ro trong thương mại điện tử
- Quản trị dự án công nghệ thông tin, thương mại điện tử
- Quản trị tác nghiệp trong thương mại điện tử
- Thực hành các ứng dụng thương mại điện tử (trong các ngành)
Nếu chuyên ngành Thương mại điện tử đặt trong ngành Quản trị kinh doanh thì các môn học chung gồm:
- Quản trị chiến lược
- Quản trị nhân sự
- Quản trị tài chính
- Quản trị tác nghiệp
- Quản trị marketing
- Quản trị hệ thống thông tin (tương đương: Hệ thống thông tin quản lý)
Nếu đặt trong ngành Kinh tế, Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, thì các môn học chung bao gồm:
- Kinh doanh quốc tế
- Nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, vận tải giao nhận và bảo hiểm
- Luật trong hoạt động kinh doanh quốc tế
- Thư tín thương mại và hợp đồng trong kinh doanh quốc tế
- Marketing quốc tế
3. Để trả lời câu hỏi của phụ huynh và sinh viên “Học thương mại điện tử ra trường làm gì, ở đâu?”, chúng ta có thể hiểu như sau:
Có hai loại công việc liên quan đến thương mại điện tử.
- Loại thứ nhất là các hoạt động quản lý và kinh doanh truyền thống được ứng dụng thương mại điện tử trong những năm gần đây, đặc biệt là 10 năm qua, từ 2006 đến nay, trong các lĩnh vực điển hình như: xuất nhập khẩu, ngân hàng, marketing, bán hàng/bán lẻ, thuế, hải quan, kế toán, chứng khoán, hàng không, du lịch… các lĩnh vực này ứng dụng thương mại điện tử rất thành công và có các phòng chuyên trách về thương mại điện tử trong lĩnh vực đó. Loại này cung cấp 80% - 90% cơ hội việc làm liên quan đến thương mại điện tử. Đối với nhóm này, thương mại điện tử đem lại cơ hội mới cho mọi sinh viên, vì học thêm 1-3 môn về thương mại điện tử sẽ đem lại nhiều kiến thức và kỹ năng mới trong ứng dụng thương mại điện tử vào chuyên ngành của mình, dù đó là quản trị kinh doanh chung, xuất nhập khẩu, kinh doanh quốc tế, tài chính, ngân hàng… thì hàng chục nghìn doanh nghiệp đã và đang phải ứng dụng thương mại điện tử để theo kịp sự phát triển của thị trường, để cạnh tranh, để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.  Chính vì thế, thương mại điện tử đem lại nhiều cơ hội việc làm mới cho nhóm các ngành học này (hơn là cho nhóm chuyên sâu về thương mại điện tử).
- Loại công việc thứ hai là các công việc chuyên nghiệp về thương mại điện tử, trong các doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử như sàn thương mại điện tử, du lịch điện tử, thanh toán điện tử, vật giá, chợ điện tử, tiki, lazada, sendo, adayroi, dkt, smartlink, alibaba vietnam,  (thời gian tới sẽ có thêm amazon.com, alibaba, rakuten, tencent, etsy, facebook, google, youtube, dell, groupon, uber, airbnb… với chi nhánh, đại diện tại Việt Nam) có các ứng dụng chuyên về thương mại điện tử. Nhóm này cũng chia là hai nhóm nhỏ, một chuyên về kinh doanh điện tử và một chuyên về công nghệ thương mại điện tử.
4. Như vậy, đông đảo sinh viên ra trường khi làm việc liên quan đến thương mại điện tử chỉ cần được học một vài môn về thương mại điện tử, bên cạnh các môn học chuyên ngành, nhóm này chiếm 80-90% cơ hội việc làm cho sinh viên kinh tế, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính, ngân hàng… chỉ cần được học các môn học như:
- Thương mại điện tử căn bản
- Hệ thống thông tin quản lý
- Thực hành các ứng dụng thương mại điện tử (trong các ngành)
Với kiến thức chuyên ngành, và các kiến thức cơ bản về thương mại điện tử này, sinh viên có thể làm các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử trong các ngành một cách dễ dàng hơn. Theo ước tính, khoảng 100 trường đào tạo Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Tài chính, Ngân hàng, Công nghệ thông tin… với 50 trường có môn học, bộ môn thương mại điện tử, mỗi năm khoảng 5.000 – 10.000 sinh viên được đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng và các chuyên ngành khác… có được học thêm một số môn học về Thương mại điện tử. Những sinh viên này, bên cạnh việc làm trong các lĩnh vực truyền thống, có thêm nhiều cơ hội việc làm trong các phòng ban về thương mại điện tử trong các lĩnh vực đó. Bao gồm hầu hết các lĩnh vực truyền thống đã được ứng dụng thương mại điện tử mạnh mẽ như:
- Xuất nhập khẩu (xúc tiến qua mạng, qua web, hải quan điện tử, marketing điện tử…)
- Bán lẻ (bán hàng online, website bán hàng, bán hàng qua mạng xã hội…)
- Ngân hàng (ngân hàng điện tử, Internet banking…)
- Tài chính (thuế điện tử, hải quan điện tử, chứng khoán điện tử…)
- Du lịch (website, marketing điện tử, marketing trên mạng xã hội, di động…)
- Marketing (trong các doanh nghiệp, nhà máy, dịch vụ - marketing điện tử, bán hàng trực tuyến, quảng cáo trực tuyến)
- Một số cơ quan quản lý liên quan đến thương mại điện tử: thương mại, thuế, tài chính, hải quan, quản lý cạnh tranh.
- Một số các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có ứng dụng thương mại điện tử.
5. So với 5.000 - 10.000 sinh viên được đào tạo chung về thương mại điện tử, chỉ có khoảng 500 – 1.000 sinh viên mỗi năm, (ước tính chiếm 5-10%) được đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử. Nhóm này có thể sẽ làm trong các doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử, ở các phòng ban. Những sinh viên này vẫn chia làm 2 nhóm, một nhóm chuyên về Kinh doanh điện tử (nhóm này chiếm đa số) và một nhóm về Công nghệ thương mại điện tử (nhóm này ít, một vài phần trăm)
Các công việc trong các doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử đòi hỏi sinh viên chuyên ngành thương mại điện tử, hiện nay ở Việt Nam, số lượng đào tạo mỗi năm không nhiều, 500-1.000 sinh viên chuyên ngành thương mại điện tử mỗi năm (ít hơn nhiều so với nhóm sinh viên kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng… được đào tạo thêm một vài môn học về thương mại điện tử, hệ thống thông tin quản lý và thực hành ứng dụng thương mại điện tử  trong từng chuyên ngành, khoảng 5.000 – 10.000 sinh viên)
Các công việc chuyên về thương mại điện tử, trong các doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử cũng đòi hỏi cao hơn. Các công việc bao gồm:
- Kinh doanh trực tuyến
- Phân tích và phát triển các hoạt động thương mại điện tử
- Marketing điện tử, marketing di động, marketing trên mạng xã hội
- Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử
- Một số có thể làm việc trong các nhóm phát triển giải pháp thương mại điện tử.
- Triển khai các dự án về thương mại điện tử.
6. Kết luận
Như vậy, thương mại điện tử nói chung đã và đang đem lại nhiều cơ hội việc làm mới cho sinh viên. Sinh viên các chuyên ngành Kinh tế, Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị Kinh doanh, Tài chính, Ngân hàng, Du lịch, Marketing, Giao thông, Công nghệ thông tin, …. và các chuyên ngành có ứng dụng thương mại điện tử đều có thêm cơ hội việc làm liên quan đến thương mại điện tử khi học các chuyên ngành này và được học thêm các môn học liên quan đến thương mại điện tử như: Thương mại điện tử căn bản, Hệ thống Thông tin quản lý, Thực hành ứng dụng thương mại điện tử chuyên ngành. Nhóm này ước tính khoảng 5.000 – 10.000 sinh viên mỗi năm (thấp hơn nhiều so với nhu cầu xã hội, hàng trăm nghìn doanh nghiệp cần ứng dụng thương mại điện tử).
Nhóm sinh viên chuyên ngành thương mại điện tử, được đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử theo các nhóm kiến thức kinh doanh thương mại điện tử, công nghệ thương mại điện tử có cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử (số lượng không nhiều, vài chục đến vài trăm trong thời gian tới) và nhóm này cũng có cơ hội tham gia các doanh nghiệp ở trên nếu có thêm các kiến thức chuyên ngành khác (nhóm này khoảng 500 – 1.000 sinh viên mỗi năm)./.
Khóa học Thương mại điện tử 2016 - FREE
Adsense 61